Tại tọa đàm bảo vệ bản quyền ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số ngày 26/9 ở Hà Nội, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra hết phức tạp ở mảng bóng đá, phim và mới đây bùng nổ ở cả nội dung tranh anime Nhật Bản.
Riêng lĩnh vực bóng đá có khoảng 70 nhóm web lậu, trong đó có 5 nhóm dẫn đầu như xoilac, cakhia... với nhiều địa chỉ website khác nhau. Trong mùa giải 2022-2023, website của các nhóm này đạt 7,7 triệu người dùng, 1,5 tỷ lượt xem theo thống kê của Similarweb. Phim lậu có hơn 200 website, thu hút 120 triệu lượt xem mỗi tháng.
Theo ông Hải, điểm chung của các website trên là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ẩn giấu thông tin. Bên cạnh phát nội dung, chúng hiển thị quảng cáo độc hại, cá độ. Khi bị chặn, các website này liên tục đổi tên miền. Trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến 8/2023, cơ quan chức năng của Việt Nam đã chặn gần 1.000 web lậu về bóng đá.
Một trang phát sóng lậu trận đấu tại World Cup 2022, đi kèm quảng cáo game cờ bạc. Ảnh: Lưu.
Tại tọa đàm, bà Phạm Thanh Thủy, phụ trách chống vi phạm bản quyền của truyền hình K+, dẫn số liệu Media Partners Asia cho thấy Việt Nam nằm trong số ba nước dẫn đầu khu vực về số lượng vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập website lậu. Nếu xét tên tỷ lệ dân số, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á. Theo bà Thủy, trước đây tình trạng vi phạm có xuất hiện ở cả TV Box cài sẵn ứng dụng xem lậu. Tuy nhiên đến nay, phần lớn vi phạm xảy ra ở nền tảng số, như website, mạng xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia, đánh giá khi mạng xã hội và các nền tảng OTT phát triển, việc bảo vệ bản quyền càng trở nên thách thức, khi khoảng 80% vi phạm nằm ở các nền tảng số. Các nhóm phát lậu có thể nằm tại Việt Nam, nhưng dùng phần mềm VPN giả địa chỉ, nhằm lấy nội dung từ nước ngoài và phát cho người Việt, ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín của dịch vụ trong nước đã mua bản quyền. Ước tính vi phạm bản quyền nội dung khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 350 triệu USD năm 2022.
Một hình thức vi phạm điển hình của web lậu. Ảnh: Cục PTTT&TTĐT
Để ngăn chặn tình trạng trên, đại diện Trung tâm Bản quyền nội dung số cho biết phương thức chính đang được áp dụng là phối hợp với nhà mạng Việt để chặn truy cập từ người dùng đến website lậu. Cách làm này khiến lượt truy cập của các web phát bóng đá lậu giảm 98% trong mùa giải vừa qua. Ngoài ra, việc này cũng góp phần thay đổi thói quen người dùng. Khảo sát của tổ chức CAP cho thấy với các website bị chặn, 23% người dùng cho biết sẽ không truy cập nội dung tương tự, 60% tìm đến giải pháp miễn phí hợp pháp.
Tuy nhiên, theo ông Hải, vẫn có sự bất cập khi việc ngăn chặn chưa thống nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) vì có ISP chặn luôn nhưng cũng có bên mất ba ngày để thực hiện, dẫn đến không mang lại tác dụng.
Trong khi đó, bà Thủy cho biết đã áp dụng các biện pháp từ kỹ thuật tới pháp lý, tuy nhiên vẫn gặp nhiều thách thức. Ví dụ, khi muốn nộp đơn tố cáo vi phạm lên cơ quan hành pháp, họ cần thu thập bằng chứng và chứng minh thiệt hại. Nhiều vụ, như website Phimmoi, kéo dài nhiều năm mới có thể giải quyết.
Một biện pháp được bà Thủy đưa ra là Knock and Talk (Gõ cửa và nói chuyện), từng áp dụng thành công ở nước ngoài. Trong đó, một đội điều tra chuyên nghiệp tìm tất cả mối liên hệ để nắm được thông tin về chủ website, từ đó tiếp cận và yêu cầu cam kết không vi phạm. Cách làm này theo bà Thủy có thể mang lại hiệu quả về lâu dài và thời gian xử lý khoảng vài tháng.
Tại họp báo đầu tháng 9, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an để xử lý chủ website phát nội dung lậu và sẽ "không dừng ở việc bị xử lý hành chính". Ngoài ra, Bộ cho rằng vấn đề có thể được giải quyết từ phía người dùng, bởi nếu người dân còn ủng hộ web lậu, những đơn vị kinh doanh nội dung bản quyền sẽ chịu thiệt hại, từ đó không thể mua bản quyền và phát triển nội dung. Khi đó, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.
Theo Lưu Quý - vnexpress.net